Đại biểu đề nghị:  Kiểm soát xe dù, bến cóc, sử dụng gầm cầu làm bãi đỗ xe…

Góp ý xây dựng và hoàn thiện Luật Đường bộ, nhiều đại biểu cho rằng, cần kiểm soát tình trạng xe dù, bến cóc, siết trách nhiệm doanh nghiệp vận tải, quy định quỹ đất đường bộ… sử dụng gầm cầu làm nơi ở, bãi đỗ xe các dịch vụ kinh doanh khác.

 

Thuê xe cả chuyến gây khó cho người dân lẫn doanh nghiệp

Phát biểu tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung của báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Luật Đường bộ. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung có ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật. Trong đó, nổi lên việc cần thiết quy định chặt chẽ hơn đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.

Theo các đại biểu quốc hội, hoạt động vận tải đường bộ trong những năm qua đã phát triển rất mạnh mẽ, đáp ứng trên 90% tổng khối lượng vận chuyển hành khách và có trên 70% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa với gần 86.000 đơn vị đã được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, có 921.322 đầu xe kinh doanh vận tải bằng xe ô tô các loại. Đây là một nguồn lực rất lớn của xã hội vì thế, việc xây dựng dự án Luật Đường bộ là cần thiết.

Góp ý về dự thảo Luật Đường bộ, đại biểu Tạ Thị Yên - Điện Biên cho rằng, tại khoản 10, Điều 56 của dự thảo luật đã quy định “đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký hợp đồng vận tải hành khách với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe” nghĩa là mỗi chuyến xe hợp đồng chỉ được chở một hành khách hoặc là một nhóm khách duy nhất. Ban soạn thảo đưa ra quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng núp dưới bóng xe hợp đồng để kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định. Tuy nhiên việc này lại đang vô hình chung làm hạn chế một loại hình vận tải hành khách phổ biến ở nhiều quốc gia khác, đó là mô hình chia sẻ chuyến xe hợp đồng dưới 10 chỗ thông qua các nền tảng gọi là xe trực tuyến.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đắk Nông:

Tôi nhận thấy trong thực tế hiện nay phát sinh việc kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Thực tế, về bản chất kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định chở khách di chuyển thường xuyên, hằng ngày cùng một điểm đến và điểm đi. Việc này đã tác động tiêu cực đến việc thực thi pháp luật, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị kinh doanh vận tải và tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự an toàn giao thông. Do đó, tôi đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.

“Mô hình này lại mang nhiều lợi ích cho xã hội vì nó có thể tối đa hóa số lượng người di chuyển trong một chuyến đi, do đó sẽ giúp giảm đáng kể lưu lượng xe lưu thông trên đường. Những tác động này sẽ góp phần giảm áp lực đối với cơ sở hạ tầng và giải quyết phần nào tình trạng tắc nghẽn giao thông. Ngoài ra, mô hình này cũng sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Do đó, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh theo hướng vừa kiểm soát tình trạng xe dù, bến cóc nhưng vẫn tạo điều kiện cho dịch vụ chia sẻ chuyến xe dưới 10 chỗ được hoạt động”, đại biểu Tạ Thị Yên nói.

Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Hải Dương cho rằng, quy định này chưa bao chứa được hết các nhu cầu thuê xe vận tải hành khách. Bởi vì trên thực tế kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng còn bao gồm loại người thuê vận tải không thuê cả chuyến xe như là trường hợp các xe limousine đang vận tải hành khách có ứng dụng công nghệ hiện nay hoặc là những chuyến xe ghép, hành khách sẽ được đón một số điểm. Loại xe này không bắt khách dọc đường và trả ở một số điểm, giao dịch hợp đồng thường qua điện thoại hay qua tin nhắn. Đây là loại hình vận tải hành khách rất được ưa chuộng vì tiện lợi, nhanh chóng cho người dân. Nếu chúng ta yêu cầu là phải thuê xe cả chuyến trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách thì chúng ta sẽ gây khó cả cho người dân có nhu cầu lẫn các doanh nghiệp vận tải có loại hình vận tải này.

Sử dụng gầm cầu đường bộ làm bãi đỗ xe, các dịch vụ kinh doanh khác

Đại biểu Hà Phước Thắng - TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm, theo quy định hiện nay, “không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác”. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay nhu cầu đỗ xe trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh rất lớn, việc thực hiện quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Kho chứa vật tư phục vụ đảm bảo công trình đường bộ của Thành phố còn thiếu nhiều so với nhu cầu đáp ứng kịp thời để sửa chữa, thay thế, khắc phục sự cố hư hỏng, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố còn rất nhiều diện tích dưới mặt bằng các dạ cầu đường bộ, cầu cạn của các tuyến đường cao tốc. Ngoài ra, người dân thành phố cần có thêm nhiều các khu thể dục thể thao phục vụ hoạt động thể dục thể thao, đặc biệt cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Việc tận dụng vị trí dạ cầu để tổ chức các bãi trông xe, hoạt động thể dục thể thao phục vụ mục đích công cộng sẽ góp phần giải quyết nhu cầu thiết yếu của người dân thành phố, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Đại biểu Lã Thanh Tân - TP Hải Phòng:

Việc nhà nước định giá dịch vụ xe ra, vào bến xe khách chỉ phù hợp với giai đoạn trước đây khi các bến xe đều thuộc sở hữu nhà nước. Nếu các bến xe không được linh hoạt, chủ động nghiên cứu thị trường để đầu tư, nâng cấp, tổ chức các dịch vụ có chất lượng cao thì không thể thu hút được hành khách vào bến làm gia tăng tình trạng xe dù, bến cóc, gây mất trật tự, an toàn giao thông. Mặt khác, quy chuẩn bến xe còn chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hành khách. Tình trạng hành khách không vào bến xe mà đứng ngoài đường gần các bến xe để đón xe hoặc hẹn lái xe ra đón ngày càng gia tăng. Tình trạng đó có nguyên nhân chính là bến xe chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng dịch vụ đối với hành khách.

Từ phân tích trên đại biểu Thắng cho rằng: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc khai thác, sử dụng gầm cầu đường bộ, phần không gian dưới dạ cầu cạn đối với các hệ thống đường bộ do địa phương chịu trách nhiệm quản lý, khai thác và bảo trì để làm bãi đỗ xe, đường giao thông, kho chứa vật tư phục vụ bảo trì công trình đường bộ và các hoạt động khác phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và không được làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu của công trình đường, đường bộ, cầu, đảm bảo về phòng, chống cháy nổ và không gây mất trật tự an toàn giao thông”.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An - Cao Bằng:

Dự thảo luật đang liệt kê rất nhiều loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô. Tuy nhiên, trong đó lại không có quy định loại hình kinh doanh vận tải khách du lịch. Đây là loại hình kinh doanh vận tải đang hoạt động, có xu hướng ngày càng tăng, yêu cầu quản lý có nhiều nội dung khác biệt so với các loại hình vận tải khác, như điều kiện về người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, xe du lịch phải được vào các điểm du lịch trong khi các phương tiện kinh doanh vận tải theo hình thức khác không được vào.

Góp ý về quy định tỷ lệ diện tích đất phải bảo đảm để dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ, Đại biểu Nguyễn Phương Thủy - TP Hà Nội cho hay, có nội dung chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tế của nhiều địa phương trong giai đoạn hiện nay cũng như không còn phù hợp với xu thế phát triển của đô thị trong tương lai. Quyết định cứng và tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông như mức dự kiến trong dự thảo luật để áp dụng ngay cho tất cả các đô thị, bao gồm cả đô thị hiện hữu và đô thị hình thành mới mà trong khi lại không kèm theo các chế tài hay các biện pháp bảo đảm thực hiện sẽ là không khả thi trong điều kiện hiện nay. Mặt khác, với việc đất đô thị ngày càng có giá, chi phí để phát triển đường đô thị ngày càng đắt đỏ. Đại biểu Thủy đưa ví dụ về dự kiến mở rộng đoạn đường Láng từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy và theo ước tính ban đầu dự kiến sẽ phải tiêu tốn khoảng 5.500 tỷ cho 1km đường.

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận